Ngày 04/01/2024 vừa qua, tập 2 “Unblock Business Performance”: Leadership Roadmap to 2024 do HR Partnering Việt Nam và CORE Leadership đồng tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp. Buổi hội thảo chào đón sự tham dự của gần 60 anh chị quản lý, lãnh đạo không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn từ Bình Dương, Hội An và Hà Nội.
1. Tổng quan buổi Webinar
1.1. Thành phần tham dự
- Chị Nguyễn Thị Hương Thảo: Nhà Sáng Lập CORE Leadership Academy, cũng là nhà huấn luyện Lãnh đạo và Điều hành. Chị đã có 15 năm kinh nghiệm làm việc với nhiều nhà quản trị và lãnh đạo trong hành trình huấn luyện cá nhân và đội nhóm.
- Chị Lê Dương Tường Vy: HR Head Nhà máy chế tác & kinh doanh nữ trang PNJ Production. Với 20 năm kinh nghiệm phát triển nhân lực và đào tạo quản lý lãnh đạo tại Ajinomoto, ICP, Trung Nguyên, chuyên sâu về HR, TWI, KPIs, kỹ năng Coaching,….
- Và sự góp mặt của gần 60 anh chị hiện đang công tác tại các đơn vị doanh nghiệp SME với vị trí CEO, Quản lý,…
1.2. Nội dung chương trình
Buổi thảo luận đã diễn ra trong vòng 90 phút theo tinh thần tập trung và chia sẻ tích cực qua các phần sau:
- Khai mạc chương trình: hoạt động tương tác, kết nối giữa diễn giả và người tham dự
- Chia sẻ từ phía diễn giả
+ 5 bước hoạch định kế hoạch phát triển bản thân (IDP)
+ Các sai lầm cần tránh khi lập IDP
+ Xu hướng phát triển nhân lực năm 2024
+ Khung năng lực lãnh đạo CORE Lead giúp lập IDP thế nào
+ Cách hiện thực kế hoạch hành động
- Hỏi đáp cùng diễn giả
2. Tiêu điểm sự kiện
2.1. Chia sẻ từ diễn giả
Mở đầu phần chia sẻ, chị Hương Thảo và chị Tường Vy đã kết hợp và đưa ra lộ trình thiết lập IDP bao gồm 5 bước:
- Ghi nhận thành tựu đã đạt được và định vị hiện tại
- Đặt mục tiêu thực tế (cho năm mới)
- Lập kế hoạch hành động
- Xây dựng lộ trình chuyển hóa
- Đánh giá thường xuyên.
Cả 2 diễn giả đều đồng ý rằng, thiết lập IDP là một công tác không thể bỏ qua của các nhà lãnh đạo, quản lý hằng năm. Chỉ khi lập IDP, bạn mới nhận thấy rõ được đích đến của mình. Và trước khi tiến hành lập bản IDP, chúng ta cần biết được một số lỗi sai thường gặp dẫn đến việc thiết lập hoặc hành động cho IDP bị thất bại. Bên cạnh đó, để có một bản IDP phục vụ cho 2024, chị Tường Vy và chị Phương Thảo cũng không quên giúp người tham dự điểm qua một số Xu hướng nhân sự 2024 nhằm trả lời câu hỏi: Bạn đang ở đâu trong bức tranh toàn cảnh?
Nguồn: Mercer, 2023
Nguồn: SHRM, 2023
Nguồn: Forbes, 2023
Ngoài ra, bạn cũng cần phải tham khảo ý kiến của những đối tượng xung quanh về yêu cầu và mong muốn của họ về bạn bằng cách tham khảo ý kiến từ lãnh đạo cấp trên và nhân viên cấp dưới. Sau khi có được rất nhiều mục tiêu cần hoàn thành, hãy chọn lọc và viết ra tối đa 3 MỤC TIÊU dành cho năm 2024, bao gồm:
- 1 mục tiêu cho vai trò lãnh đạo
- 1 mục tiêu dành cho đội ngũ
- 1 mục tiêu cho cá nhân/gia đình.
3 mục tiêu nêu trên sẽ trở thành ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP của bạn trong năm 2024!
2.2. Hỏi – đáp cùng diễn giả
Hỏi: Động lực/nỗi đau/khát khao có vai trò như thế nào trong xác định mục tiêu IDP? Làm sao để khai thác các yếu tố này từ cấp nhân viên của mình?
Chị Tường Vy: Nỗi đau hay khát vọng đều có vai trò là nguồn động lực chính yếu để chúng ta xác định được IDP. Tìm thấy nỗi đau, bạn sẽ có động lực tìm cách để xoa dịu nỗi đau. Tìm thấy khát vọng, bạn sẽ có động lực tìm cách đạt được khát vọng. Lấy ví dụ về bản thân Vy, mình là một người làm trong ngành HR và mình đã xác định ngay từ đầu rằng bản thân có khát vọng thăng tiến trong lĩnh vực này. Nhưng nỗi đau là gì? Thế giới ngày càng phát triển và những bạn trẻ gen Z ngày càng giỏi tiếng Anh. Trong khi trước đây Vy là người không hề thông thạo tiếng Anh. Vậy cách duy nhất để Vy có thể thăng tiến và cạnh tranh với các bạn trẻ đó là không ngừng cố gắng trau dồi ngôn ngữ này. Từ đó Vy đặt mục tiêu phải trở nên thành thạo tiếng Anh và hiện thực mục tiêu bằng cách luyện tập mỗi ngày. Trong suốt 2 năm qua, không ngày nào là Vy không học tiếng Anh để trở nên tiến bộ hơn.
Chị Hương Thảo: Chúc mừng bạn và nhân viên của bạn, vì bạn là một quản lý – lãnh đạo có tư duy lãnh đạo thấu cảm thì bạn mới đặt được câu hỏi này. Chỉ có một cách duy nhất là đối diện và cảm nhận trực tiếp từ họ. Nếu họ là một người có năng lượng tích cực, tràn đầy tuổi trẻ và có nhiều tham vọng, bạn hãy lãnh đạo họ bằng khát khao. Còn ngược lại, những người họ đang cố gắng vươn lên từng ngày, gặp nhiều rào cản, hãy lãnh đạo họ bằng nỗi đau. Tóm lại, hãy lắng nghe và tìm đúng điểm mấu chốt của đối phương để có thể dẫn dắt họ.
Hỏi: Trong chia sẻ Xu hướng lãnh đạo 2024, có đề cập đến việc cần rèn luyện kỹ năng mềm, vậy kỹ năng nào là trọng yếu trong năm 2024?
Chị Hương Thảo: Trong chia sẻ xu hướng có lập lại nhiều lần các kỹ năng như là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thấu cảm, kỹ năng dẫn dắt đội ngũ, kỹ năng vượt qua thách thức, kỹ năng mentoring/coaching,… Đây là những kỹ năng dùng để giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột,…Để xác định kỹ năng cần rèn luyện, bạn cần xác định vị trị cá nhân trên lộ trình phát triển lãnh đạo và quy mô công ty hiện tại. Nhìn chung, ở vị trí quản lý cấp trung trở lên, Thảo nghĩ kỹ năng giao tiếp thuyết phục là kỹ năng tiên quyết cần có ở một người quản lý để có thể làm việc hiệu quả với con người. Tiếp theo là kỹ năng coaching, nghĩa là biết cách khơi gợi đối phương cùng chia sẻ với mình bằng cách đặt câu hỏi. Trong 2024, sẽ có thêm một số kỹ năng cấp thiết như kỹ năng vận dụng AI vào công việc, giao tiếp và tư duy đồng tạo ra giá trị với tin thần tự chủ công việc.
Chị Tường Vy: Nói về kỹ năng leadership trong thời đại 4.0. Các bạn trẻ cho rằng mình còn quá mới để học kỹ năng này, nhưng hiện tại các trường đại học đã bổ sung phần này vào chương trình đào tạo rồi. Lãnh đạo bản thân là một phần trong lãnh đạo thấu cảm. Và để lãnh đạo thấu cảm, bạn không chỉ hiểu mình mà còn phải hiểu được người cộng sự của mình. Trong làm việc, và học tập, nếu chúng ta nhìn thấy lỗi sai của người khác theo hướng tích cực và cùng tìm cách giải quyết, sẽ giúp hiệu quả công việc tăng lên. Vy nghĩ thái độ này là một kỹ năng cần thiết để chúng ta đi đến hoc tập những kỹ năng còn lại.
Hỏi: Làm sao có được động lực khi mình thiếu đi sự kiên trì và kỷ luật?
Chị Hương Thảo: Để đạt được mục tiêu, quả thật rất cần đến sự kiên trì và kỷ luật của bản thân. Thông thường chúng ta làm việc gì đến nửa chùng cũng rất dễ bị nản, đặc biệt là khi chúng ta không nhận lại được kết quả gì sau khi đã cố gắng. Nhưng thực ra kết quả nó có hình thành, nhưng chưa đủ lớn để hiện hữu ra cho chúng ta thấy. Vậy, hãy tự đặt cho mình những câu hỏi: Mục tiêu của bạn có bị quá lớn hay không? Có quá nhỏ đển bạn không có động lực nào để thực hiện không? Mục tiêu có đúng là nỗi đau hay khát khao của bạn hay chưa? Để có thể thay đổi được bản thân, chúng ta chỉ cần có 2 chữ B. Chữ B thứ nhất là Bản lĩnh, và chữ B thứ 2 là Biến cố. Vì thế, từ một người thiếu kỉ luật trở thành một người có kỷ luật sẽ rất khó. Cách tốt nhất là hãy tìm một người có thể giúp bạn giám sát bản thân bạn. Đó có thể mà mentor, coach 1:1, người thân hoặc bất kỳ ai mà bạn thấy tín nhiệm nhất.
3. Tổng kết
Phần Hỏi – đáp cùng diễn giả đã khép lại chương trình sau hơn 90 phút với những chia sẻ tâm huyết đến từ hai nữ diễn giả và sự tham dự tích cực đến từ quý anh chị quản lý, lãnh đạo tham dự. Buổi hội thảo đã hoàn thành mục tiêu cung cấp giá trị đến cộng đồng VBizBridge về xu hướng lãnh đạo năm 2024 và cách thiết lập IDP cá nhân một cách chi tiết. Sau khi kết thúc, sự kiện nhận được nhiều phản hồi và những đóng góp tích cực nhằm giúp BTC hoàn thiện chuỗi hội thảo “Khai Mở Tiềm Năng Doanh Nghiệp 2024”. Hãy cùng HR Partnering Việt Nam chào đón Tập 3 “Khai mở tiềm năng doanh nghiệp 2024” diễn ra vào tháng 3/2024!
_______________________


